Thổ Phồn (618–842) Lịch_sử_Tây_Tạng

Lãnh thổ Thổ Phồn thời cực thịnh.Tượng vua Songtsen Gampo.Đền Samye, nằm ở đông nam Lhasa, cái nôi của Phật giáo Tây Tạng (Phái Nyingma).Bia tưởng niệm Đường-Phồn hội minh.
Bài chi tiết: Thổ Phồn

Vào đầu thế kỷ thứ 7, thời kỳ vua Namri Songtsen trị vì, Yarlung đã thu phục phần lớn các bộ tộc người Tạng sau khi giành quyền kiểm soát khu vực Lhasa ngày nay và lấn át Tượng Hùng, vươn mình trở thành Đế quốc [8]. Namri Songtsen từng hai lần cử sứ thần tới nhà Tùy ở Trung Hoa vào những năm 608 và 609, đây là lần đầu tiên người Tạng xuất hiện trong các tài liệu lịch sử [9][10], các sử gia nhà Đường gọi đất nước của người Tạng khi ấy là Thổ Phồn. Năm thành lập của Thổ Phồn được xác định là 618, khi Songtsen Gampo lên ngôi Tán Phổ.

Songtsen Gampo từng gửi 16 đứa trẻ thông minh tới Ấn Độ học tập, trong đó có Thonmi Sambhota, người đã sáng tạo ra chữ Tạng dựa trên chữ Phạn. Sau đó, ông cử Gar Tongtsen Yulsung tới Nepal ép vua Amsuvarman của Vương quốc Licchavi phải gả công chúa Bhrikuti cho mình. Công chúa Bhrikuti chính là người đã mang bức tượng Phật đầu tiên đến Thổ Phồn và cho xây dựng Jokhang (chùa Đại Chiêu) [11]. Đại khái, Phật giáo Mật Tông đã du nhập vào Thổ Phồn, kết hợp với Bön giáo bản địa và phát triển thành Phật giáo Tây Tạng. Giáo lý giảng về vũ trụ đại kiếp, vạn sự vô thường, nhân quả báo ứng, sinh tử luân hồi và tu hành giải thoát. Đây được gọi là thời kỳ hoàng kim của Phật giáo Tây Tạng [12].

Năm 637, Songtsen Gampo đem quân đi đánh Thổ Dục Hồn và đất Tùng Châu (Tùng Phan, Tứ Xuyên ngày nay) của nhà Đường. Năm 640, Hoàng đế nhà Đường đồng ý gả Công chúa Văn Thành cho Songtsen Gampo, bà đã mang đến Thổ Phồn một bức tượng Thích Ca Mâu Ni và xây dựng chùa Ramoche (chùa Tiểu Chiêu). Ba người thiếp của Songtsen Gampo cũng đều cho xây dựng đền chùa, tương truyền rằng có tới 108 ngôi chùa Phật giáo ở Thổ Phồn khi đó.

Sau thời Songtsen Gampo, quan hệ giữa Thổ Phồn và nhà Đường khi căng thẳng, khi hòa hữu. Năm 714, Thổ Phồn và Đường nghị hòa, lấy Hà Nguyên làm biên giới. Xung đột lại nhanh chóng nổ ra nên vào năm 730, một hội nghị tiếp theo lại định ra biên giới tại Xích Lĩnh. Trong Đôn Hoàng văn tuyển và Đạt Trát Nhạc cung thạch bi có ghi: "Đường Túc Tông đồng ý cống nạp cho Thổ Phồn năm vạn xấp lụa, vì đó là lụa cũ của nhà Tùy. Đến thời Đường Đại Tông thì bỏ không cống nạp nữa" [13]. Tán Phổ Thổ Phồn khi ấy là Trisong Detsen rất tức giận. Năm 762, nhân khi nhà Đường vẫn chưa dẹp yên loạn An Sử, ông đem quân tấn công kinh đô Trường An và thu về thêm những hiệp ước có lợi. Thời Trisong Detsen trị vì, Thổ Phồn cực thịnh, Phật giáo phát triển mạnh mẽ, cương thổ mở rộng cực đại, phía tây làm chủ bồn địa Tarim, phía đông mở rộng ảnh hưởng đến Nam Chiếu [11].

Trải qua 2 thế kỷ chiến tranh, cả Thổ Phồn và nhà Đường đều mệt mỏi. Năm 821, hai lần hội minh lần lượt diễn ra tại kinh đô Trường An nhà Đường và thủ phủ Lhasa của Thổ Phồn, qua đó lập nên "Đường-Phồn sinh cữu hòa minh". Có 3 bia tưởng niệm đã được dựng lên để ghi lại những hiệp ước của hội minh, một trong số đó được dựng bên ngoài chùa Đại Chiêu [11].

Tới cuối thời kỳ Thổ Phồn thống nhất, Bön giáo lại chiếm ưu thế tại, Tán Phổ Ralpacan bị phe chống Phật ám sát, đưa Langdarma lên thay. Langdarma đã thực hiện nhiều chính sách bài trừ phật giáo, sử gọi là Langdarma diệt Phật [14][15]. Năm 842, Langdarma bị ám sát, Thổ Phồn rơi vào một cuộc nội chiến tranh giành quyền lực kéo dài, bắt đầu thời kỳ phân liệt [11]. Trên khía cạnh phát triển tôn giáo, đây cũng là sự kết thúc của thời kỳ hoàng kim Phật giáo Tây Tạng.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Lịch_sử_Tây_Tạng http://english.chinatibetnews.com/Culture/The_Past... http://www.dalailama.com/news.42.htm http://folkdoc.com/classic/p04/da001.htm http://info-buddhism.com/Christian_Missionary_Enga... http://www.thetibetpost.com/en/outlook/opinions-an... http://cc.purdue.edu/~wtv/tibet/article/art4.html //pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/19955425 //www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC2795552 http://www.irenees.net/en/fiches/analyse/fiche-ana... http://www.mainstreamweekly.net/article2582.html